(Xây dựng) – Từ khi bắt đầu hoạt động cho đến năm 2002, Công ty liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna đã liên tục bị thua lỗ, số lỗ lũy kế đến 31/12/2002 đã là gần 8.464.433 USD (mất gần hết vốn điều lệ lúc đó là 9 triệu USD).
Ai là tác giả của bài học “cay đắng” mang tên “Hà Nội Fortuna”?
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, cuối năm 2002, khách sạn Fortuna lỗ lũy kế hơn 8,4 triệu USD và nợ hơn 21 triệu USD do lãi mẹ đẻ lãi con, trong khi vốn điều lệ chỉ có 9 triệu USD.
Có thể nói, người bị thiệt hại trực tiếp và lớn nhất từ sự thua lỗ trên chính là phía Việt Nam.
Khách sạn Hà Nội Fortuna được thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh ngày 1/12/1994 giữa Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư Thương mại và Du lịch Thắng Lợi với đối tác CHNG HODINHGS PTE.,LTD (Singapore). Trong đó, bên Việt Nam góp 40% vốn là giá trị quyền sử dụng 4.250m2 đất tại 6B Láng Hạ theo giá 16 USD/m2, thời hạn 35 năm. Song đến tháng 10-1995, trị giá lô đất để xây dựng khách sạn bị HĐQT Liên doanh hạ xuống còn 13,6 USD/m2, làm giảm trị giá phần vốn góp của phía Việt Nam.
Sau 7 năm hoạt động, phần lớn vốn của Liên doanh đã bị mất (lỗ 8,4 triệu USD/9 triệu USD vốn điều lệ), cộng thêm khoản nợ hơn 21 triệu USD từ việc vay 17,5 triệu USD với lãi suất 8,5%/năm Công ty Hornblower (Singapore), khách sạn Fortuna đứng trên bờ vực phá sản.
Cơ quan chức năng cho rằng, lãi không trả được bị tính vào gốc để tính lãi tiếp đã khiến lãi suất thực vay của liên doanh lớn hơn nhiều lần so với lãi suất vay và cho vay đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và liên doanh rơi vào tình cảnh không trả được gốc và lãi.
Về lỗ lũy kế của Liên doanh khách sạn Fortuna, Thanh tra Chính phủ kết luận: Có nguyên nhân khách quan do khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng nguyên nhân chủ yếu là tính lãi vay đầu tư khách sạn ở mức cao; Liên doanh vay vốn của nước ngoài để đầu tư xây dựng khách sạn nhưng không báo cáo và do đó không được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản về điều kiện vay, trả như quy định tại điểm 1.4 Quyết định số 161/QĐ-NH17 ngày 8/6/1996 và điểm 3, phần III Thông tư số 07/TT-NH7 ngày 26/3/1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc Quản lý vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp.
Mặt khác, chi phí quản lý khách sạn ở mức cao nhất so với các khách sạn 4-5 sao trên địa bàn Hà Nội; trong khi đó, quá trình kinh doanh, liên doanh thua lỗ triền miên (Fortuna đã phải chi hơn 6,2 triệu USD thuê một Công ty của Singapore làm quản lý khách sạn từ 1998-2008).
Người bị kiểm điểm vẫn lên chức to
Tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Trước tình hình làm ăn thua lỗ, phía nước ngoài đã đưa ra hàng loạt yêu cầu, trong đó có việc tăng vốn điều lệ từ 9 triệu USD lên 18 triệu USD và Công ty Thắng Lợi phải làm việc với cơ quan có thẩm quyền để xóa bỏ điều kiện chuyển giao không bồi hoàn ghi trong giấy phép đầu tư sau khi kết thúc thời hạn của liên doanh và chuyển liên doanh thành Công ty cổ phần. Điều kiện trên của đối tác nước ngoài thực chất là kéo dài vô thời hạn hoạt động của liên doanh.
Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” rõ các cá nhân để xảy ra sai phạm tại Công ty liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna.
Đến ngày 1/6/2006, Công ty Thắng Lợi đã đàm phán với đối tác nước ngoài về các điều kiện và ký kết thỏa thuận tài trợ vốn pháp định, trong đó có nội dung tăng vốn điều lệ và cho phép Công ty Hornblower góp 35% phần vốn. Đổi lại, Cty này sẽ hỗ trợ Công ty Thắng Lợi 2,7 triệu USD còn thiếu khi điều chỉnh tăng vốn. Sau đó, hoạt động của khách sạn Fortuna dần dần có lãi. Trong đó, mức lãi đến cuối năm 2007 là trên 2,5 triệu USD, năm 2008 là gần 5,9 triệu USD.
Tuy nhiên, Cty Thắng Lợi không được các đối tác chia lãi từ việc kinh doanh khách sạn Fortuna vì chưa thực hiện cam kết xóa bỏ điều kiện chuyển giao không bồi hoàn và cổ phần hóa liên doanh. Phía đối tác còn doạ sẽ hủy bỏ cam kết, đồng thời gợi ý phía Việt Nam chuyển nhượng số vốn góp để Liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Từ tờ trình của Công ty Thắng Lợi, tháng 10/2009, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (LMHTXVN) ký quyết định phê chuẩn phương án chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Công ty Thắng Lợi cho đối tác nước ngoài là Mekong Growth Fund Pte Ltd, với giá 10 triệu USD.
Trước vụ việc trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với ông Nguyễn Tiến Quân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Hiên, ông Nguyễn Văn Biên là Phó Chủ tịch Liên minh và Thường trực Liên minh vì để xảy ra các khuyết điểm, sai phạm; trong đó ông Nguyễn Văn Biên có trách nhiệm trong việc ban hành quyết định phê chuẩn phương án chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, ông Nguyễn Hải Giang (Tổng GĐ Công ty Thắng Lợi) có trách nhiệm về việc chuyển nhượng 10% vốn điều lệ cho đối tác để xử lý hơn 1,1 triệu USD tiền góp vốn còn thiếu tại thời điểm đó.
Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ sai phạm, nhưng đến nay vụ việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; có cán bộ để xảy ra sai phạm vẫn “ung dung” thăng quan tiến chức to hơn.
Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này trong các bài báo sau.