Nam Định: Tiến tới xóa bỏ lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng

(Xây dựng) – Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn còn tồn tại rất nhiều lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng không đảm bảo vệ sinh môi trường, sức khỏe cho nhân dân và sản xuất nông nghiệp của người dân.



Lò gạch thủ công đang trong quá trình phá dỡ

Căn cứ vào Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/08/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nam Định đã ra quyết định về việc ban hành lộ trình và mức hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng trên địa bàn tỉnh với những nội dung sau:

Ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hoàn thành trước ngày 31/12/2015.

– Năm 2014 xóa bỏ 347 lò thuộc địa bàn thành phố Nam Định và 8 huyện: Vụ Bản, Mỹ Lộc, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Ý Yên, Nam Trực.

– Năm 2015 xóa bỏ 154 lò thuộc địa bàn 7 huyện: Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Ý Yên, Giao Thuỷ, Hải Hậu.

Quy định mức hỗ trợ chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công (hỗ trợ kinh phí xóa bỏ cho chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công được cấp từ ngân sách hàng năm của tỉnh Nam Định).

– Lò thủ công: 01 vạn viên/lựa – 1,2 triệu đồng

– Lò đứng liên tục: 01 triệu viên/năm – 2 triệu đồng

– Lò vòng: 01 triệu viên/năm – 8 triệu đồng

Hỗ trợ đào tạo nghề cho những người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất gạch thủ công.

– Người lao động trong độ tuổi lao động, đang làm việc tại các lò gạch thủ công có nhu cầu chuyển đổi nghề được ưu tiên tham gia các lớp đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo của huyện có sự hỗ trợ kinh phí đào tạo của ngân sách nhà nước theo Quyết định 06/2012/QĐ-UBND ngày 04/4/2012 của UBND tỉnh Nam Định.

– Nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách Trung ương hỗ trợ hàng năm để thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn kinh phí khác hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề.

Tổ chức thực hiện:

1. UBND các huyện, thành phố:

– Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc thực hiện lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn quản lý.

– Lập kế hoạch chi tiết xóa bỏ lò gạch thủ công theo tháng, quý đến từng cơ sở trên địa bàn quản lý; phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch đó theo tiến độ để đảm bảo xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất bằng lò gạch thủ công trước ngày 31/12/2015.

– Trực tiếp chi trả kinh phí hỗ trợ cho các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công sau khi đã phá dỡ và được nghiệm thu.

– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

– Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tuyên truyền sâu rộng về lộ trình này tới các Chủ cơ sở tự tháo dỡ theo đúng lộ trình.

– Định kỳ vào ngày 20 của các tháng cuối quý hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trên về UBND tỉnh Nam Định và Sở Xây dựng.

2. Sở Xây dựng: có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công; đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch chi tiết của các huyện, thành phố; tổng hợp kết quả thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Tài chính bố trí vốn hàng năm, hướng dẫn các thủ tục cấp, phát kinh phí để hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công theo quy định.

4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: hướng dẫn quy trình, thủ tục quản lý, cấp phát, thanh toán kinh phí hỗ trợ học nghề cho người lao động theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Sở sẽ kiểm tra đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch chi tiết lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công của các huyện và thành phố. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh những khó khăn vướng mắc khi có phản ánh của các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình xóa bỏ lò thủ công”.

An Lãng – Vũ Linh (baoxaydung.com.vn)

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận