Ngành thép: Xuất một, nhập năm

Thị trường bất động sản đang có những cải thiện tích cực. Đặc biệt, bước vào cuối năm cũng là thời điểm có yếu tố mùa vụ, nên hầu hết các công trình xây dựng cũng đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện. Nhờ đó, trong tháng 10 sản lượng thép xây dựng của các doanh nghiệp (DN) trong nước đã tăng trưởng cao.

Bước tiến dài trong tiêu thụ thép xây dựng

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tính trong tháng 10/2014, sản lượng thép xây dựng của các DN là thành viên VSA đã tiêu thụ đạt tới 497.890 tấn, tăng 12,33% so với tháng 9, và tăng 23,72% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, trong đó phải kể đến khu vực miền Trung và xuất khẩu tăng trưởng cao nhất, lần lượt là 41,54% và 37,96%.

Những con số nói trên thể hiện sức tiêu thụ của ngành thép đã tăng trưởng cao hơn so với dự kiến sản xuất trong tháng. Vì, sản xuất của các DN trong tháng 10 chỉ cầm chừng với 475.607 tấn. Tuy nhiên, nếu so với tháng 9 thì, việc sản xuất thép trong tháng 10 của các DN đã tăng tới 10,11%, và so với cùng kỳ năm 2013 cũng tăng tới 27,13%.

Vậy, tính chung 10 tháng đầu năm 2014 tổng lượng thép xây dựng của các DN sản xuất và tiêu thụ đạt lần lượt là 112,31% và 113,03%.

Tôn và ống thép chiếm ưu thế

Bên cạnh đó, đối với sản phẩm ống thép và tôn luôn dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ, bởi 2 mặt hàng này có sức cạnh tranh ít hơn so với thép xây dựng, song lại xuất khẩu chiếm tới trên 30%. Trong khi, mặt hàng thép xây dựng thị trường trong nước đang cạnh tranh gay gắt, song bước đầu mới xuất khẩu được không đáng kể.

Theo đó, đối với sản lượng ống thép bán ra của các DN trong tháng 10 đạt 116,656 tấn, tăng 1,2% so với tháng 9, và so với năm 2013 đã tăng đột biến với trên 84%. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này nguồn cung về ống thép hàn đã tăng lên gấp 2 lần so với cầu. Từ đó cho thấy, thị trường ống thép đang bắt đầu có những áp lực cạnh tranh rất lớn, trong khi giá bán vẫn giữ mốc ổn định.

Đối với mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tính trong tháng 10/2014 tiêu thụ đạt 160.942 tấn, tăng 3,5% tháng 9 và tăng 32,34% so với cùng kỳ năm 2013. Trong tổng số tôn tiêu thụ đó thì số lượng xuất khẩu đã chiếm tới 75.523 tấn, tăng 10,36% so với tháng 9 và tăng tới 44,3% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù những tháng qua mặt hàng tôn trong nước xuất khẩu đã tăng trưởng mạnh. Nhưng hiện tại, giá tôn mạ trên thế giới cũng đang giảm mạnh do ảnh hưởng trực tiếp từ nguyên liệu đầu vào đều giảm. Trong khi, giá bán tôn của các DN sản xuất trong nước lại có độ trễ. Giá nhập khẩu tôn đã thể hiện rẻ hơn tương đối so với giá thành tôn sản xuất trong nước. Điều này thể hiện thị trường tôn trong nước cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định.

Nhập khẩu tăng đột biến

Mặc dù thị trường thép trong nước bước đầu mới có khởi sắc sau thời gian dài khó khăn. Tuy nhiên, lượng thép trong nước nhập khẩu trong nước lại ngày càng tăng rất cao. Đơn cử, nếu chỉ tính trong tháng 9/2014 thì lượng thép mà nước ta đã nhập khẩu đã đạt mốc 1.406.039 tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt trên 866 triệu USD.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2014 lượng nhập khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm vào Việt Nam đạt tới 10.829.000 tấn, với kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6,641 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2013 thì lượng thép bán thành phẩm và thành phẩm nhập khẩu về Việt Nam đã tăng tới 5,1%, nhưng kim ngạch nhập khẩu giảm là 2,3%.

Đặc biệt, lượng thép hợp kim nhập khẩu tăng trên 1,4 triệu tấn, tương ứng với trên 82,3%. Trong đó, một số mặt hàng có lượng nhập khẩu tăng cao nhất vẫn là: thép hình trên 79,9%; thép mạ màu tăng 64,3% và ống thép hàn tăng 18,8%.

Trong khi, tháng 9/2014 Việt Nam xuất khẩu thép chỉ đạt 282.574 tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 227 triệu USD. Và, nếu tính trong 9 tháng đầu năm 2014 thì tổng lượng thép Việt Nam xuất khẩu đạt 2.755.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,1 tỷ USD.

Những con số xuất khẩu và nhập khẩu trên thể hiện sự mất cân bằng rất lớn, cho thấy Việt Nam xuất khẩu được “một” thì lại nhập khẩu tới “năm”. Chính điều này đã là “rào cản” gây quá áp lực cho ngành công nghiệp thép trong nước. Do đó, vệc kiểm tra, kiểm soát chất lượng thép cũng như việc đưa ra các hàng rào kỹ thuật chặt chẽ hơn là điều rất cần thiết, nhằm bảo vệ thị trường trong nước. Bởi, nếu chỉ khi DN trong nước ổn định, hàng hóa sản xuất ra lưu thông thì mới giúp nền kinh tế trong nước phát triển ổn định và đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động.

Theo Kim Tuyến/Báo Công thương

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

CHAT 💬 ZALO