Xây tường vây đừng để “Chu tước khai khẩu”

(Xây dựng) – Sau cây xanh, tường vây (hay tường bao) cũng có ý nghĩa nhất định trong việc xem xét phong thủy một mảnh đất, ngôi nhà. Trước kia, ở nông thôn, chỉ những gia đình địa chủ mới xây tường bao quanh mảnh đất làm nhà thành một khuôn viên riêng biệt, còn lại đều dùng cây xanh làm giậu.



Không được xây tường vây xong mới xây nhà, nếu không sẽ phạm vào khẩu quyết “chữ tù”.

Việc rào giậu bằng cây xanh có nhiều ưu điểm, tạo được cảnh quan, môi trường sinh thái trong lành, sinh động. Tuy nhiên, hàng cây làm giậu thường tỏa bóng, chiếm khoảng không gian lớn. Rễ cây ăn rộng làm đất bạc màu. Càng ngày, đất canh tác và đất ở càng thu hẹp, con người càng phải tận dụng từng thước đất. Vì vậy, ngay ở các vùng nông thôn bây giờ, nhiều gia đình cũng thường xây tường vây bao bọc khuôn viên nhà mình thay thế cho các bờ giậu bằng duối, găng hay tre, trúc ngày trước. Ngay ở thành phố đất chật người đông, mấy nhà có đủ đất làm biệt thự để xây tường bao quanh nhưng tường vây cũng vẫn tồn tại. Trừ những nhà mặt phố, những nhà được dùng làm cửa hàng buôn bán… còn chí ít các ngôi nhà cũng có bờ tường phía trước hoặc phía sau để tạo một khoảng sân nhỏ. Vì vậy, việc tìm hiểu ý nghĩa của tường vây là cần thiết.

Theo quan niệm của phong thủy, mỗi ngôi nhà đã tự hình thành một “thế giới riêng”. Và tường vây là giới hạn, là tiêu chí của thế giới đó.Tường vây phản ánh diện mạo và không gian của ngôi nhà, có quan hệ đến sự an toàn và thoải mái của nhà ở. Sách Dịch lâm nói: “Tường cao họa chẳng vào cửa”. Phong thủy cho từng nhà ở tốt nhất là theo hình vuông vức, còn tường vây tốt nhất là gấp khúc hoặc hình tròn.

Nguồn gốc nguyên lý này có thể xuất phát từ quan niệm “trời tròn đất vuông” của người cổ xưa, mảnh đất hình vuông và xây tường vây hình tròn thể hiện ý nghĩa trời, đất, con người cùng hòa hợp. Cũng từ quan niệm này mà người xưa đã đúc đồng tiền hình ngoài tròn, trong vuông. Tuy nhiên, về mặt hình học, nếu xây tường vây hình tròn trên một miếng đất vuông sẽ chiếm quá nhiều đất, không có ý nghĩa thực tế.

Phong thủy cũng cho rằng, tường vây không nên có khe nứt nẻ. Xét thấy thực tế, tường vây vừa có tính chất bảo vệ, vừa có ý nghĩa thẩm mỹ, vì vậy cần phải chắc chắn, vừa phải tạo thêm vẻ đẹp cho ngôi nhà nên nếu có khe nứt nẻ tất nhiên là không tốt. “Trên tường cũng không được để dây leo chằng chịt”. Xét thực tế có dây leo sẽ tăng thêm vẻ sinh động cho cảnh quan khuôn viên, môi trường. Tuy nhiên nếu để dây leo quá rậm rạp lại cản trở gió và ánh sáng, làm cho không khí ẩm ướt, nặng nề, trong nhà tối tăm sẽ không có lợi cho sức khỏe.

Trên tường vây cũng không nên mở cửa sổ quá lớn vì vậy gọi là “Chu tước khai khẩu” dễ gây nên thị phi. Tường vây mà trước rộng sau chật là không tốt, còn trước chật sau rộng gọi là “thoái điền bút” không tiến được về tiền tài. Phong thủy cũng cho rằng tường vây không quá cao hay quá thấp, cũng không nên quá sát liền với nhà ở; ở bức tường phía đông bắc không được khuyết hoặc để lở.

Xét thấy tường vây nhằm mục đích bảo vệ, che chắn cho ngôi nhà, nếu mở cửa sổ quá rộng sẽ làm mất tính chất này của tường vây, người ngoài dễ “nhòm ngó” vào trong nhà mà gây nên thị phi chăng?

Phong thủy còn quan niệm tường vây làm mái che không nên rộng quá hai thước (ta); tường ở hai bên cổng chính của nhà phải bằng nhau, cao thấp rộng hẹp như nhau. Đặc biệt nếu bạn xây nhà phải chú ý: Không được xây tường vây xong mới xây nhà, nếu không sẽ phạm vào khẩu quyết “chữ tù”.

Xét thấy trên thực tế, nhiều người bây giờ thường xây tường bao quanh mảnh đất trước để xác định ranh giới và có lợi cho việc bảo vệ nguyên vật liệu khi xây nhà, tuy nhiên điều này cũng bất tiện khi thi công ngôi nhà vì mặt bằng chật hẹp khó xoay xở.

Thủy Văn (baoxaydung.com)

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận