(Xây dựng)- Khi những lùm xùm xung quanh các vụ việc quyết toán khống trong xây dựng chưa dứt thì mới đây, tại tỉnh nghèo Bắc Kạn lại thêm “nóng bỏng” bởi việc địa phương này đã “biếu” không một doanh nghiệp tư nhân hơn 6,5 tỷ đồng rút từ ngân sách.
Con đường hơn 6,5 tỷ được đầu tư xây dựng bằng tiền ngân sách trong Khu du lịch Thác Bạc của Cty CP 19-8.
Sự việc bắt nguồn từ chủ trương “đổi vàng lấy du lịch” đầy tai tiếng được khởi xướng từ cuối năm 2008 với mục tiêu “gom” 24 mỏ vàng để cấp cho các doanh nghiệp có đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại tỉnh Bắc Kạn.
Do trái với Luật Tài Nguyên Khoáng sản, nên mới cấp được 2 mỏ vàng là Hoàng Phài (xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn) cho Cty cổ phần 19-8 và mỏ vàng khác ở Nà Làng (xã Lương Thượng, huyện Na Rì) cho Cty TNHH Hùng Dũng khai thác, thì “….cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch…” nói trên đã sớm bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Kạn “yêu cầu dừng triển khai”.
Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Bắc Kạn liên quan đến Dự án đường Thác Bạc.
Trước đó, tại Văn bản số 377/UBND-NLN ngày 15/3/2006 Cty cổ phần 19-8 đã được UBND tỉnh Bắc Kạn “đồng ý về nguyên tắc” cho phép được khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Thác Bạc, Thác Giềng, xã Xuất Hóa, TX Bắc Kạn; đồng thời giao cho các cơ quan: Sở KH&ĐT, Sở Thương mại và Du lịch (nay lĩnh vực này thuộc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch quản lý), Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND TX Bắc Kạn và Cty cổ phần 19-8 triển khai thực hiện.
Đến khi Tỉnh ủy Bắc Kạn có chủ trương về cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tại Thông báo số 726-TB/TU ngày 30/9/2008, Cty cổ phần 19-8 đã dùng Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Thác Bạc, xã Xuất Hóa làm dự án khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn.
Theo đó, tại Quyết định số 2758/2008/QĐ-UBND ngày 25/12/2008 của UBND tỉnh ban hành Danh mục các dự án khuyến khích đầu tư và Quy định các chính sách ưu đãi áp dụng cho các dự án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó có Mỏ vàng Vằng Phài (Hoàng Phài) được UBND tỉnh này cấp phép khai thác cho Cty cổ phần 19-8 tại Giấy phép số 310/GP-UBND ngày 09/2/2010.
Ngày 4/5/2009 Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Bắc Kạn có Tờ trình số 38/TTr-SVHTTDL về việc thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình đường vào khu du lịch Thác Bạc. Ít ngày sau, ngày 15/5/2009 Sở KH&ĐT Bắc Kạn có Tờ trình số 252/KH&ĐT-KT đề nghị và ngày 22/5/2009 UBND tỉnh Bắc Kạn có Quyết định số 1095/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình đường vào Khu du lịch Thác Bạc xã Xuất Hóa với tổng chiều dài 1.644m và tổng mức đầu tư là 6.615,1 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước- vốn hạ tầng du lịch.
Kiến nghị xử lý về kinh tế của Thanh tra tỉnh BK.
Trong Quy định về chính sách ưu đãi áp dụng đối với các dự án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn tại Điều 3 có nêu: “…sẽ được tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông đến nơi thực hiện dự án”, được hiểu là ở ngoài hàng rào của các dự án đầu tư phát triển du lịch.
Thế nhưng, theo Báo cáo khảo sát, thiết kế thể hiện con đường đi vào khu du lịch Thác Bạc có “điểm đầu giao với Quốc lộ 3 tại km 14+00 (tính từ TX Bắc Kạn về Thái Nguyên) đến điểm cuối lại km1+800 theo hướng đi vào huyện Na Rì sau này được Thanh tra tỉnh Bắc Kạn chỉ ra rằng“thực tế đó là đoạn đường hoàn toàn trùng trên tuyến đường Quốc lộ 3B”.
Trong khi đó, theo giải trình của đơn vị tư vấn lập báo cáo khảo sát, thiết kế- đơn vị này đã thiết kế con đường có điểm đầu từ Quốc lộ 3B, điểm cuối là chân Thác Bạc- công trình nằm trong tổng thể diện tích đất thuộc Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Thác Bạc của Cty cổ phần 19-8- theo nguyên tắc đường nội bộ dự án phải được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Tại đây có thể thấy rõ ràng sự nhập nhằng và mâu thuẫn vì công trình đường vào Khu du lịch Thác Bạc do Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư thì không thể tiến hành xây dựng công trình trong diện tích mốc chỉ giới đất của nội bộ Khu du lịch do Cty cổ phần 19-8 làm chủ đầu tư được.
Mặt khác, đơn vị tư vấn lập báo cáo khảo sát, thiết kế- Cty cổ phần Tư vấn và Xây dựng 18- được Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch là chủ đầu tư chỉ định thầu làm tư vấn khảo sát, lập báo cáo KTKT-DT công trình, không phải là do Cty cổ phần 19-8 thuê làm việc này. Trong khi đó, Cty cổ phần 19-8 lại chính là đơn vị trúng thầu thi công công trình nằm ngay trong diện tích đất dự án do chính mình làm chủ đầu tư (?)
Tại Văn bản số 485/KL-TTr Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn xã Cốc Đán và thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, Thanh tra tỉnh Bắc Kạn đã chỉ rõ: “Công trình đường vào Khu du lịch Thác Bạc được lập hồ sơ thiết kế giả tạo được nằm ngoài hàng rào Khu du lịch, để trình UBND tỉnh quyết định cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư, thực tế là trùng một đoạn đường trên tuyến đường quốc lộ 3B. Việc làm đó trái với quy định về chính sách ưu đãi áp dụng đối với các dự án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch…Theo đó, số kinh phí đã phê duyệt quyết toán 6.558,924 triệu đồng thực chất là đã được sử dụng sai mục đích”.
Cũng tại Văn bản này Thanh tra tỉnh Bắc Kạn đề nghị “thu hồi và nộp vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý…số tiền 6.558,924 triệu đồng do đã cấp cho doanh nghiệp sử dụng trái quy định”.
Thực tế, nhiều tháng sau khi có Kết luận của Thanh tra tỉnh Bắc Kạn, số tiền đã chi vẫn chưa thể thu hồi. Trong khi đó, việc khai thác tại Mỏ vàng Hoàng Phài, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn đã được Cty cổ phần 19-8 thực hiện xong còn Dự án Khu du lịch vẫn đang bỏ dở gây thất thoát vốn ngân sách nhà nước, trở thành vụ việc nổi cộm, làm cho dư luận bức xúc.
Vậy, trong vụ việc này trách nhiệm của chủ đầu tư (Sở Văn hóa- Thể thao và Du lich) và cơ quan giúp việc (Sở KH&ĐT) ở đâu? Cơ quan hoặc cá nhân nào đã chủ mưu để “qua mặt” UBND tỉnh Bắc Kạn rút tiền ngân sách nhà nước “biếu” doanh nghiệp? Báo Xây dựng điện tử sẽ tiếp tục cung cấp thông tin tới bạn đọc ở các bài viết tiếp theo.