Các thanh cốt composite phi kim dùng cho bê tông được chế tạo từ các vật liệu composite, có sử dụng công nghệ nano, với các loại sợi thủy tinh (fiberglass), nhựa bazan (plastic basalt), sợi polymer (polymer)… được dính kết với nhau bằng các loại chất kết dính.
Cốt composite phi kim có hình dáng bên ngoài không khác gì cốt thép thông thường mà còn có nhiều ưu điểm vượt trội như độ bền vững của composite phi kim cao hơn độ bền vững của thép đến 2,5 lần; Có thể sử dụng lâu bền trong môi trường nước biển, ngập mặn; Nhẹ hơn cốt thép có kích thước tương đương đến 4 lần; Cốt composite có thời gian khai thác sử dụng lâu dài và ổn định với các thông số kỹ thuật ban đầu đến 80 năm.
Với những tính năng kỹ thuật như vậy, việc đưa cốt composite phi kim vào thay thế thép cho các công trình xây dựng ở ven biển, hải đảo, ở nơi ngập mặn, nơi đất phèn,… hoặc sử dụng cốt composite phi kim cho các bộ phận ngầm dưới lòng đất của công trình nhà cửa, cầu cống là rất hợp lý, đảm bảo giá thành xây dựng, độ bền, tính tiết kiệm tài nguyên khoáng sản cũng như bảo vệ môi trường.
Cốt composite phi kim đã bắt đầu được ứng dụng cho phần bản mặt của các công trình cầu ô tô ở Bắc Mỹ để thay thế cho cốt thép từ những năm 1970. Đến nay càng ngày càng nhiều ứng dụng của cốt composite phi kim được nghiên cứu và phát triển tại Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác.
Vật liệu cốt composite có đặc tính bền vững trong môi trường muối, axit và các chất ăn mòn khác, lại có tính năng chịu lực cao hơn thép, dễ tạo hình nên đã du nhập vào Việt Nam khoảng 15 năm nay, song chủ yếu ở dạng tấm mỏng dùng làm các loại bể chứa, vỏ cano tàu xe. Việc sử dụng vật liệu cốt composite phi kim dạng thanh được dùng làm cốt chịu lực trong kết cấu xây dựng mới được đưa vào Việt Nam trong vài năm gần đây.
Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất thanh cốt composite phi kim với các đường kính (có thể đạt 20mm), các loại gờ khác nhau. Hiện nay, Viện được Bộ Xây dựng giao thực hiện công tác chuyển dịch các tiêu chuẩn về sản phẩm cũng như tiêu chuẩn hướng dẫn sử dụng cốt composite phi kim trong kết cấu bê tông cốt thép và địa kỹ thuật.
Cty Đầu tư Phát triển Công nghệ Đại học Xây dựng (NUCETECH) cũng là một tổ chức đã sản xuất và ứng dụng cốt composite phi kim thành công. Hiện nay, Cty đang biên soạn tiêu chuẩn cơ sở về sản phẩm, tiêu chuẩn cơ sở về hướng dẫn thi công cốt composite phi kim cho kết cấu bê tông cốt thép trên cơ sở tham khảo các Tiêu chuẩn đã được ban hành của ACI (Hội Bê tông Mỹ) và các Hiệp hội Cầu đường Canada, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Trung Quốc.
Cty NUCETECH đã thành lập một DN khoa học công nghệ chuyên về phát triển và ứng dụng cốt composite phi kim, có tên là Cty CP cốt sợi polymer Việt Nam. Cty đã có 2 nhà máy sản xuất sản phẩm tại Long An và Hà Nội với quy mô 10 dây chuyền sản xuất cho công suất 3.000 tấn/năm.
Tại Hà Nội, ngày 25/7, NUCETECH đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiếp và nghe kế hoạch phát triển, mở rộng thị trường của Cty. Bộ trưởng đánh giá cao việc ứng dụng vật liệu cốt composite phi kim trong xây dựng.
Tuy nhiên, để vật liệu này được ứng dụng rộng rãi, cần thiết phải vừa nghiên cứu kinh nghiệm các nước vừa đúc rút kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam để phục vụ xây dựng các công trình biển đảo, công trình có môi trường nhiễm mặn, công trình dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ quốc phòng an ninh.
Trước mắt, Bộ trưởng giao cho các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng, Trường Đại học Xây dựng khẩn trương nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm cốt composite phi kim cũng như tiêu chuẩn hướng dẫn sử dụng trong kết cấu bê tông cốt thép và địa kỹ thuật, các định mức, đơn giá liên quan; nghiên cứu giảm giá thành.
Các đơn vị cũng cần phải chỉ rõ được phạm vi áp dụng đối với cốt composite phi kim trong các công trình dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình có môi trường đặc thù mà ở đó việc sử dụng thép thông thường không hiệu quả để từ đó tiến hành xây dựng các công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật tại môi trường biển đảo, vùng đất nhiễm phèn mặn phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.